Đến với phần 3 trong loạt bài: “Những địa danh linh thiêng nổi tiếng ở Nhật Bản” Chúng ta sẽ đến với ngôi đền Todaiji – Một ngôi đền thờ Phật nổi tiếng không chỉ tại Nhật Bản mà còn là một di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là một địa danh du lịch mà các bạn không thể không trầm trò với vẻ đẹp ở nơi này.
Lịch sử đền Todaiji
Đền Todaiji, (東大寺, hay còn gọi là Đông Đại Tự) là một quần thể đền thờ Phật tại tỉnh Nara và giữ vai trò là trụ sở chính của trường phái Phật học Kegon của Nhật Bản. Todaiji đã trở thành một trong những ngôi đền cổ kính bậc nhất ở Nhật Bản, đồng thời, cũng là một trong những địa danh có cảnh đẹp nhất Nhật Bản. Năm 1998, Todaiji vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như một “Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời Nara”.
Ngôi đền được xây dựng từ năm 743, đây chính là thời kỳ đất nước Nhật Bản phải trải qua biết bao mất mát do thảm họa thiên nhiên cũng như nạn dịch bệnh lan tràn. Chính vì thế, vào năm 741, Thiên Hoàng Shomu đã ra chỉ dụ bắt đầu xây dựng hệ thống đền thờ Phật trên toàn đất nước Nhật Bản với niềm tin rằng, lòng thành kính của ngài cùng với người dân Nhật sẽ được Đức Phật hiểu thấu và dang tay cứu giúp đất nước Nhật Bản thoát khỏi bể khổ trần gian này.
Điểm nổi bật ở đền Todaiji
Để bước vào đền, bạn sẽ bước qua cổng lớn Nam Đại Môn sừng sững. Cổng lớn này được xây dựng bằng gỗ, theo phong cách Trung Hoa. Đứng hai bên của Nam Đại Môn là hai bức tượng hộ pháp Nio. Mỗi bức tượng hộ pháp này cao hơn 8 mét, và được tạc vào năm 1203 bởi hai nhà điêu khắc nổi tiếng lúc bấy giờ – Unkei và Kaikei.
Cổng Nam Đại Môn và những chú nai ngộ nghĩnh
Nét nổi bật nhất của ngôi đền cổ kính Todaiji chính là bức tượng đồng Đại Phật Vairocana, được bắt đầu chế tác từ năm 749. Theo lưu truyền, gần 2.600.000 người dân được huy động để xây dựng lên bức tượng Đại Phật này. Nhưng, con số này đã chiếm khoảng gần một nửa dân số Nhật Bản lúc bấy giờ, liệu phải chăng đã được phóng đại lên? Dù thực thế là như thế nào, thì có một điều được sử sách ghi nhận, đó là khi bức tượng được hoàn thành vào năm 751, gần như toàn bộ lượng đồng được sản xuất ở Nhật Bản nhiều năm trời đều dành cho việc đúc tượng. Và chính vì việc tập trung nguyên liệu này đã khiến cho nền kinh tế ở Nhật Bản gần như kiệt quệ trong một khoảng thời gian.
Tượng Đại Phật đền Todaiji
Nét nổi bật của bức tượng Đại Phật:
- Tổng chiều dài thân tượng: 30 m
- Chiều cao tượng: 14,98 m
- Phần đầu cao: 5,33 m
- Mắt: 1,02 m
- Mũi: 0,5 m
- Tai: 2,54 m
Bức tượng Đại Phật được đặt trong Đại Phật Điện – một công trình hoàn toàn được làm bằng gỗ. Trải qua khoảng thời gian dài, Đại Phật Điện phần lớn đã bị hủy hoại bởi hỏa hoạn và được trùng tu lại. Lần dựng lại gần đây nhất vào năm 1692, lúc ấy tòa điện chỉ lớn bằng 2/3 kích thước ban đầu. Dù vậy, Đại Phật Điện vẫn được coi là công trình kiến trúc làm bằng gỗ lớn nhất thế giới.
Trong khuôn viên đền Todaiji, tính từ Đại Phật điện, trải dài 1 cây số theo suốt trục Bắc-Nam và Đông-Tây gồm nhiều công trình khác như điện và kho báu, bảy công trình trong số đó được ghi nhận là Di sản quốc gia. Đồng thời, ngôi đền cổ kính này cũng sở hữu nhiều báu vật văn hóa hơn 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật cũng được xếp lọai Di sản Quốc gia. Một điều đáng tiếc, khi quần thể kiến trúc nguyên gốc còn có cả hai ngôi tháp bảy tầng cao 100 m, có lẽ là ngôi tháp cao nhất thế giới thời kỳ đó, nhưng, những ngôi tháp này đều đã bị động đất phá hủy hoàn toàn.
Đền Todaiji một ngày cuối tháng 3
Phía sau Đại Phật Điện có những chiếc cột chống lớn bằng gỗ. Ở phần chân cột có một lỗ to xuyên qua, với kích thước bằng với lỗ mũi của bức tượng Phật. Người ta tin rằng, nếu bạn chui được qua cái lỗ này, bạn sẽ luôn gặp được nhiều niềm vui, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Vậy, khi được sang Nhật du học hay làm việc, các bạn không nên bỏ lỡ cơ hội để tham quan và cầu may mắn ở đây nhé.
Khi ra ngoài Đại Phật Điện, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng một trong những báu vật cổ kính nhất của đền Todaiji. Đó chính là chiếc đèn lồng bát giác, xuất hiện cùng thời gian ngôi đền ban đầu được dựng lên. Trên giá đỡ của chiếc đèn lồng có bản khắc văn tự Phật giáo.
Đèn lồng bát giác đền Todoiji
Bên cạnh các công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo, ngôi đền Todaiji còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp thanh bình tuyệt đẹp của công viên Nara. Nơi đây cây cối xanh tươi ngút ngàn, trăm hoa đua sắc với hương thơm ngào ngạt, cùng hồ nước long lanh, xứng danh đỉnh cao của nghệ thuật vườn Nhật Bản.
Một góc công viên Nara
Công viên Nara còn hấp dẫn khách tham quan bởi chính những những chú nai rừng đáng yêu sinh sống tự nhiên ở đây. Theo tín ngưỡng của Thần Đạo, nai là hiện thân của sứ giả trên trời nên được người dân Nhật Bản yêu quý và chăm sóc chu đáo. Có thể vì thế mà những chú nai này tỏ ra khá mạnh dạn, không ngần ngại tiến gần du khách và xin xỏ thức ăn.
Bầy nai rừng tại công viên Nara
Những chú nai thân thiện
Sắc màu mùa đông – đền Todoiji
Với vẻ đẹp của ngôi đền này chắc chắn các bạn không thể bỏ qua nếu có hội du lịch tại Nara – Nhật Bản. Hẹn gặp lại các bạn trong phần sau của loạt bài viết này.
[2L]
Bài viết nên xêm:
Những địa danh linh thiêng nổi tiếng tại Nhật Bản(Phần 1)
Những địa danh linh thiêng nổi tiếng tại Nhật Bản(Phần 2)
Những địa danh linh thiêng nổi tiếng tại Nhật Bản(Phần 4)
Công ty du học Nhật Bản uy tín
Du học Nhật Bản – du học không khó!
Bình luận về bài viết này: