30 điểm cơ bản cần biết về XKLĐ Nhật Bản 2018

Chào các bạn, do gần đây có quá nhiều thông tin mới về XKLĐ Nhật Bản nên mình viết bài 30 điểm cơ bản cần biết về XKLĐ Nhật Bản 2018 để tổng hợp lại cho mọi người dễ theo dõi. Trong bài viết này nếu có thông tin mới mình sẽ liên tục cập nhật để các bạn tiện theo dõi. Ngoài ra, một số chỗ mình có nêu ý kiến cá nhân, nếu các bạn thấy không đúng hãy để lại comment để mọi người cùng thảo luận nhé.

30 điểm cơ bản cần biết về XKLĐ Nhật Bản 2018
30 điểm cơ bản cần biết về XKLĐ Nhật Bản 2018

30 điểm cơ bản cần biết về XKLĐ Nhật Bản 2018

1. Xuất khẩu lao động là gì?

Xuất khẩu lao động là hình thức đưa người lao động sang nước ngoài làm việc theo các chương trình hợp tác giữa hai nước. Đơn vị chủ quản các vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Ngoài Bộ LĐTB&XH, còn có các công ty có chức năng đưa người lao động sang nước ngoài làm việc được gọi là công ty phái cử. Lao động đi xuất khẩu lao động ngoài nước nhất định phải thông qua một trong hai đơn vị quản lý là Bộ LĐTB&XH hoặc công ty phái cử mới được coi là đi xuất khẩu lao động hợp pháp. (Xem thêm)



2. Nên tìm hiểu về nước Nhật trước khi đi XKLĐ Nhật Bản

Mỗi một quốc gia đều có văn hóa riêng, do vậy trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đi xuất khẩu lao động Nhật Bản nói riêng các bạn nên tìm hiểu về đất nước đó trước rồi hãy đưa ra quyết định. Hiện nay có rất nhiều thông tin về Nhật Bản trên báo chí, internet hay các phương tiện truyền thông. Nếu các bạn muốn đi XKLĐ Nhật Bản các bạn hãy tìm hiểu những điều cơ bản về Nhật Bản như vị trí địa lý, văn hóa, con người, ẩm thực, lễ hội … Có thể rất nhiều bạn đọc đến đây sẽ nghĩ rằng mình nói vậy hơi nhảm, thế nhưng nếu các bạn càng hiểu sâu về nước Nhật các bạn sẽ càng dễ đưa ra quyết định có nên đi xuất khẩu lao động Nhật Bản hay không. (Xem thêm)

3. Một số tên gọi bạn cần biết liên quan đến XKLĐ Nhật Bản

Có một số từ và tên gọi trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Nhật Bản sẽ khá lạ lẫm với nhiều người, do vậy các bạn cần hiểu sơ qua một số từ viết tắt và thuật ngữ trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ giúp các bạn đọc hiểu được khi tìm tài liệu liên quan mà còn giúp bạn giảm được khá nhiều thời gian khi tìm hiểu về XKLĐ Nhât Bản đấy. (Xem thêm)

Sau đây là một số từ viết tắt và thuật ngữ các bạn nên biết:

  • XKLĐ (XKLD): xuất khẩu lao động
  • LĐTBXH (LĐTB&XH, LĐ-TB-XH): lao động thương binh xã hội
  • TTS: thực tập sinh
  • TNS: tu nghiệp sinh
  • TTSKN: thực tập sinh kỹ năng
  • DN: doanh nghiệp
  • NLĐ: người lao động
  • XNC: xuất nhập cảnh
  • Phái cử: là các công ty xuất khẩu lao động được Bộ LĐTB&XH cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động sang nước ngoài làm việc.
  • Nghiệp đoàn: là đơn vị quản lý thực tập sinh ở Nhật Bản, nghiệp đoàn tương đương với phái cử ở Việt Nam.



4. Có những cách nào để đi XKLĐ Nhật Bản hợp pháp

Hiện nay có rất nhiều thông tin không chính xác từ rất nhiều nguồn làm cho những người lao động có nhu cầu thực sự muốn đi XKLĐ Nhật Bản hoang mang lo lắng. Nhân đây, mình xin giải thích với các bạn và nhấn mạnh rằng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản chỉ có hai con đường mà thôi:

  1. Thứ nhất: đăng ký XKLĐ Nhật Bản thông qua Bộ LĐTB&XH với chương trình IM Japan, khi đó Bộ sẽ đóng vai trò là đơn vị môi giới lao động và trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý lao động trong thời gian làm việc ở Nhật Bản. (xem thêm)
  2. Thứ hai: đăng ký xuất khẩu lao động Nhật Bản thông qua các công ty được Bộ LĐTB&XH cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động sang nước ngoài làm việc. Các đơn vị này được gọi là các công ty phái cử và chúng ta sẽ rất nhanh quen với cụm từ “phái cử lao động sang nước ngoài làm việc”.

Vậy, đăng ký thông qua Bộ LĐTB&XH như thế nào các bạn xem thêm tại ĐÂY nhé. Còn nếu đăng ký XKLĐ Nhật Bản tại các đơn vị phái cử, các bạn hãy tìm một đơn vị phái cử uy tín và gọi điện tới sẽ có tư vấn viên hướng dẫn miễn phí cho các bạn. Còn về vấn đề làm sao tìm được đơn vị phái cử uy tín thì các bạn xem thêm danh sách đánh giá xếp hạng công ty phái cử 2017 do Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam VAMAS đánh giá để biết chi tiết nhé. (Xem thêm)

4 Cách đi làm việc ở nước ngoài bạn nên biết
4 Cách đi làm việc ở nước ngoài bạn nên biết

5. Tìm thông tin về xuất khẩu lao động Nhật Bản ở đâu?

Hiện nay, có rất nhiều thông tin về XKLĐ Nhật Bản, dù vậy thông tin nào mới đáng tin lại là một vấn đề mà không phải ai cũng biết. Tuy nhiên, nếu như bỏ thời gian tìm hiểu các bạn hoàn toàn có thể hiểu được rất nhiều chỉ bằng việc tìm kiếm với những nguồn tin chính thống. Sau đây là một số nguồn tin chính thống liên quan đến XKLĐ Nhật Bản mà các bạn nên xem hàng đầu:

Bộ LĐTB&XH: http://www.molisa.gov.vn

Trung tâm lao động ngoài nước: http://colab.gov.vn

Cục quản lý lao động ngoài nước: http://dolab.gov.vn

Fanpage IM Japan: https://www.facebook.com/thuctapsinh.hoihuong.thanhcong/

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm trên website chính thức và duy nhất của Traum Việt Nam https://traumvietnam.com để có những thông tin mới và cập nhật nhất nhé.



6. Môi giới XKLĐ Nhật Bản – nên hay không nên

Vấn đề môi giới XKLĐ lúc nào cũng rất nóng, câu hỏi môi giới XKLĐ Nhật Bản nên hay không nên luôn làm nhiều lao động phải băn khoăn. Nếu các bạn bỏ thời gian và công sức tìm hiểu về XKLĐ Nhật Bản thì các bạn sẽ bớt được chi phí môi giới, còn nếu các bạn không tự tin và muốn nhanh chóng thì qua môi giới cũng ok, miễn sao các bạn chấp nhận được chi phí môi giới là được.

7. Lựa chọn công ty XKLĐ Nhật Bản uy tín

Như mục phía trên mình cũng đã nêu cách lựa chọn công ty XKLĐ Nhật Bản uy tín rồi. Các bạn có thể dựa vào đánh giá xếp hạng công ty XKLĐ 2017 mới đây do VAMAS đánh giá để tham khảo nhé. Hoặc các bạn có thể xem danh sách các công ty xuất khẩu lao động đã được Bộ LĐTB&XH cấp phép để đảm bảo đăng ký được trực tiếp không sợ lừa đảo.

Để tra cứu được danh sách các công ty có giấy phép XKLĐ trên cả nước, các bạn vào website của Cục quản lý lao động ngoài nước http://dolab.gov.vn sau đó các bạn vào mục danh sách doanh nghiệp được cấp phép (nhìn ở phía cột bên trái của website) để có thể tra cứu.

Ngoài ra, vì giao diện của Cục quản lý lao động ngoài nước không có giao diện dành cho mobile nên các bạn dùng điện thoại sẽ khá là khó tìm. Do vậy các bạn có thể vào link sau để trực tiếp đến trang tra cứu. Chú ý là ai mới vào link đó lần đầu nó sẽ tự chuyển hướng về trang chủ, các bạn hãy vào lại link một lần nữa là được nhé.

http://www.dolab.gov.vn/BU/DoanhNghiep3Mien.aspx?LIST_ID=1371&type=hdmbmtmn&MENU_ID=246&DOC_ID=1561



8. Các ngành nghề xuất khẩu lao động Nhật Bản

Hiện nay có 67 ngành 124 nghề cho phép đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Mặc dù vậy nhưng không phải ngành nghề nào cũng có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài và không phải ngành nghề nào cũng cần tuyển nhiều. Do vậy, chỉ có một số ngành nghề chính thường xuyên tuyển dụng còn một số ngành nghề gần như chẳng bao giờ có đơn hàng. (Xem thêm)

Xuất khẩu lao động Nhật Bản – Cấy lúa tại Nhật Bản

9. Chi phí đi xuất khẩu lao động Nhật Bản

Theo quy định của Bộ LĐTB&XH, công ty XKLĐ Nhật Bản được phép thu tiền phí dịch vụ đưa người lao động sang nước ngoài làm việc với mức thu không quá một tháng tiền lương với một năm làm việc và tổng số tiền thu sẽ không được vượt quá 3600 USD. Như vậy, với hợp đồng 3 năm, công ty XKLĐ được thu tối đa số tiền phí dịch vụ bằng 3 tháng tiền lương và không vượt quá 3600 USD.

Ngoài ra, theo yêu cầu của phía Nhật Bản, các công ty phái cử Việt Nam không được phép thu tiền chống trốn đối với lao động nhằm giảm gánh nặng tài chính cho lao động và tạo tâm lý thoải mái khi sang Nhật Bản làm việc. (Xem thêm)



10. Điều kiện đi xuất khẩu lao động Nhật Bản

Để có thể đi XKLĐ Nhật Bản các bạn cần phải thỏa mãn những điều kiện cơ bản như:

  1. Là công dân Việt Nam trong độ tuổi từ 19 – 32 tuổi. (theo cách tính tuổi của người Nhật)
  2. Trình độ: Tốt nghiệp trung học cơ sở (cấp 2) trở lên.
  3. Có thể lực tốt, không mắc bệnh, bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội như: bệnh tim, viêm gan B, HIV, …(xem thêm)
  4. Bản thân chưa từng đi TNS.
  5. Bản thân không phạm tội, không có tiền án, tiền sự, không thuộc diện cấm nhập cảnh vào Nhật Bản.
  6. Có mong muốn đi XKLĐ Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng.
  7. Có đủ khả năng tài chính để tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật, các chi phí làm thủ tục xuất cảnh đi Nhật theo quy định. (xem thêm)

11. Đơn hàng XKLĐ Nhật Bản

Đơn hàng XKLĐ Nhật Bản đối với nhiều lao động khá xa lạ. Thực ra đơn hàng xuất khẩu lao động Nhật Bản chính là các thông tin tuyển dụng mà phía Nhật Bản gửi cho đối tác ở Việt Nam. Các đơn hàng này sẽ căn cứ theo ngành nghề để phân chia, mỗi một ngành nghề sẽ có những yêu cầu, mức lương cùng chế độ đãi ngộ khác nhau. Khi lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động Nhật Bản sẽ phải lựa chọn một đơn hàng XKLĐ Nhật Bản để tham gia phỏng vấn tuyển chọn.(Xem thêm)

12. Phỏng vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản

Với mỗi đơn hàng xuất khẩu lao động Nhật Bản, thường nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu phái cử đề cử các ứng viên. Thông thường, phía Nhật Bản sẽ chọn trong 3 ứng viên để lấy 1 ứng viên trúng tuyển. Dù vậy cũng có trường hợp nhà tuyển dụng ưng ý có thể chọn nhiều hơn hoặc ít hơn số lượng ban đầu.

Hình thức phỏng vấn cũng đa dạng, đa phần là nhà tuyển dụng sẽ sang Việt Nam để trực tiếp phỏng vấn chọn lao động. Tuy nhiên cũng có trường hợp sẽ phỏng vấn trực tuyến qua internet hoặc thậm chí không cần phỏng vấn mà xét duyệt hồ sơ ứng viên để chọn ứng viên trúng tuyển. Ngoại lệ, cũng có những trường hợp tiến cử đặc biệt, phía Nhật Bản sẽ chỉ định lấy lao động luôn mà không cần phỏng vấn hay xét tuyển do có sự tiến cử đặc biệt này. (xem thêm)

13. Thời gian xuất cảnh sang Nhật Bản

Thông thường sau khi lao động trúng tuyển một đơn hàng XKLĐ Nhật Bản bất ký, các bạn sẽ mất khoảng 4 đến 6 tháng để học tiếng Nhật sau đó mới có thể xuất cảnh sang Nhật Bản. Đối với những đơn hàng xuất cảnh sớm thì lao động cũng phải học tiếng Nhật khoảng 3 tháng mới có thể xuất cảnh được. Tuy nhiên với những đơn hàng có sự cố phát sinh, thời gian xuất cảnh có thể kéo dài thậm chí đến 1 năm. (Xem thêm)

14. Học tiếng Nhật và sống nội trú

Như đã nói bên trên, sau khi trúng tuyển đơn hàng XKLĐ Nhật Bản các bạn sẽ không xuất cảnh ngay mà phải học tiếng Nhật trước khi chính thức đi XKLĐ Nhật Bản. Có một điều chú ý đó là các bạn phải học tiếng Nhật nội trú tại trung tâm đào tạo tiếng Nhật của đơn vị phái cử mà các bạn đăng ký. Quá trình học tập của các bạn sẽ được các thầy cô tại trung tâm tiếng Nhật báo cáo hàng tuần cho phía công ty tiếp nhận các bạn tại Nhật Bản. (Xem thêm)

Học tiếng Nhật và cuộc sống nội trú

15. Xuất khẩu lao động Nhật Bản – Chậm bay

Trong XKLĐ Nhật Bản, chậm bay hay chậm xuất cảnh luôn là một điều mà cả phái cử hay người lao động không mong muốn. Chậm bay có rất nhiều lý do từ lý do khách quan đến lý do chủ quan. Thời gian chậm bay cũng rất vô cùng, có những đơn hàng chậm bay so với dự kiến chỉ khoảng nửa tháng, có những trường hợp chậm bay lên đến 1 năm. Theo như một số trường hợp chậm bay mà mình biết, đa phần chậm bay đều do lỗi từ phía Nhật Bản. (Xem thêm)

16. Hủy đơn hàng

Trường hợp chậm bay là điều không mong muốn, mặc dù vậy thì hủy đơn hàng lại là trường hợp tệ hơn có thể xảy ra trong quá trình XKLĐ Nhật Bản. Nguyên nhân dẫn đến hủy đơn hàng cũng có rất nhiều tuy nhiên có thể quy kết vào một số lý do như phía công ty tiếp nhận kinh doanh không được tốt dẫn đến không cần thêm người hoặc do phía công ty tiếp nhận không đảm bảo đủ yêu cầu để tuyển lao động ngoài nước nên hồ sơ trình Cục Xuất Nhập Cảnh bị hủy.



17. Hủy tư cách thực tập sinh

Có khá nhiều lao động sau khi trúng tuyển đơn hàng liền trở nên tự mãn và trong quá trình học tiếng Nhật tại trung tâm hoàn toàn không cố gắng. Chính vì ý thức kém cộng thêm sự không cố gắng đó có thể khiến các bạn bị hủy tư cách trúng tuyển hay còn gọi là hủy tư cách thực tập sinh. Ngoài ra, một số trường hợp lao động đã trúng tuyển nhưng trước khi xuất cảnh lại không đủ điều kiện để xuất cảnh cũng sẽ bị hủy tư cách thực tập sinh. Một ví dụ mà các bạn mắc khá nhiều chính là vấn đề sức khỏe, trước khi tham gia phỏng vấn các bạn sẽ phải đi khám sức khỏe và khi sắp xuất cảnh các bạn cũng phải đi khám lại. Nếu các bạn không đạt đủ sức khỏe các bạn cũng sẽ không được xuất cảnh.

18. Cam kết giữa lao động và công ty phái cử

Có một số công ty phái cử thường yêu cầu lao động ký cam kết trước khi xuất cảnh hoặc cam kết sau khi trúng tuyển đơn hàng. Những cam kết này rất rõ ràng và thường yêu cầu lao động thực hiện đúng nội quy và quy định dành cho thực tập sinh, nếu vi phạm thực tập sinh sẽ chịu xử lý theo quy định. Những cam kết này đôi khi trở thành tâm điểm tranh cãi, tuy nhiên trước khi ký bất kỳ cam kết nào các bạn hãy đọc kỹ các điều khoản để tránh tranh chấp nếu có sự cố xảy ra nhé. (Xem thêm)

19. Tiền chống trốn – một loại bảo hiểm đắt tiền 

Như đã nói bên trên, phía Nhật Bản yêu cầu phái cử Việt Nam không được thu tiền chống trốn của lao động. Tuy nhiên, vẫn có công ty ký cam kết chống trốn “ngầm” để đảm bảo lao động sau khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, các lao động sẽ không bỏ trốn vì nếu số lao động bỏ trốn vượt qua một ngưỡng nhất định thì công ty đó sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Chính vì thế mà tiền chống trốn như một loại bảo hiểm đắt tiền vậy. Tuy hiện giờ nó không chính đáng nhưng thực sự không thể không nói vì vẫn còn đó rất nhiều lao động đã bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp ở nước bạn. (Xem thêm)

Xuất khẩu lao động Nhật bản - XKLĐ Nhật Bản
Xuất khẩu lao động Nhật bản – XKLĐ Nhật Bản

20. Nghiệp đoàn Nhật Bản

Nghiệp đoàn là gì chắc không cần phải giải thích nhiều đâu nhỉ. Các bạn có thể hiểu rằng nghiệp đoàn Nhật Bản chính là một đơn vị môi giới lao động ở Nhật. Đơn vị này không thể thiếu đối với xuất khẩu lao động Nhật Bản vì lao động sang làm việc tại Nhật nhất định phải chịu sự quản lý của một nghiệp đoàn đã được cấp phép. Nghiệp đoàn này sẽ có trách nhiệm quản lý và đảm bảo quyền lợi cho các thực tập sinh của nghiệp đoàn và tất nhiên họ sẽ không làm không công. Một phần nhỏ trong số tiền lương của lao động mà đáng lẽ công ty trả cho lao động sẽ được trả cho nghiệp đoàn để làm công tác quản lý. Hiện nay, có khá nhiều nghiệp đoàn ở Nhật Bản và nếu bạn muốn tìm hiểu về nghiệp đoàn có thể xem thêm trên trang của đơn vị quản lý thực tập sinh OTIT: http://www.otit.go.jp/  nhé. (Xem thêm)

21. Công ty tiếp nhận Nhật Bản

Công ty tiếp nhận Nhật Bản chính là công ty mà các bạn lao động sẽ làm việc khi ở Nhật Bản. Các công ty này khi có nhu cầu tuyển lao động sẽ gửi thông tin cho nghiệp đoàn, nghiệp đoàn sẽ gửi thông tin cho phái cử ở Việt Nam để tìm ứng viên. Sau khi tìm được ứng viên, công ty tiếp nhận sẽ phỏng vấn và chọn ứng viên trúng tuyển. Có thể nói rằng công ty tiếp nhận Nhật Bản là một công ty tại Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lao động cho công ty. Tùy vào quy mô của công ty tiếp nhận mà số lượng lao động nước ngoài được phép tiếp nhận sẽ bị giới hạn.

22. Trợ cấp tập huấn

Trong các đơn hàng xuất khẩu lao động Nhật Bản thường sẽ có một mục là “trợ cấp tập huấn”. Nhiều bạn cũng có hỏi là trợ cấp tập huấn này là cái gì và sao đơn hàng khác nhau trợ cấp lại khác nhau. Thực tế là như thế này, lao động sau khi bay sang Nhật Bản sẽ không đi làm ngay mà sẽ phải học khoảng 1 tháng về những điều cơ bản khi sống và làm việc tại Nhật như những câu chào hỏi thông thường, văn hóa ở Nhật Bản, quy định khi làm việc cho đến một số thuật ngữ chuyên ngành cơ bản. Tất cả sẽ được nghiệp đoàn cử người hướng dẫn trong vòng 1 tháng đầu này, tháng đó bạn cũng không phải đi làm nên sẽ không có lương nhưng sẽ có một khoản trợ cấp gọi là “trợ cấp tập huấn”. Số tiền trợ cấp này sẽ khoảng từ 50.000 yên đến 70.000 yên tùy từng khu vực.

Thực tập sinh Traum ngày đầu tới Nhật Bản

23. Lương cơ bản và lương thực nhận

Cái này thì đơn giản rồi nhưng mà mình vẫn sẽ nói lại nhé. Mức lương khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản sẽ chia ra làm lương cơ bản và lương thực nhận. Lương cơ bản là mức lương được ký trong hợp đồng lao động giữa thực tập sinh và công ty tiếp nhận. Tuy nhiên, khi nhận lương thì các bạn sẽ không được nhận toàn bộ số tiền này vì đã phải trừ đi tiền đóng bảo hiểm bắt buộc, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền nhà ở, tiền điện nước …. cho nên khi lương về tới tay bạn gọi là lương thực nhận. (Xem thêm)

24. Vấn đề nhà ở và điện nước

Trước đây khi đọc một bài báo trên Zing nói về cuộc sống của thực tập sinh, mình đọc xong thấy khá bất bình vì người viết cố ý nói quá về cuộc sống ở Nhật và chỉ lên án chứ không hề đưa ra ý kiến khách quan. Vấn đề đó liên quan đến vấn đề nhà ở và điện nước của thực tập sinh, nhân đây mình cũng sẽ nói luôn để các bạn có cái nhìn đúng nhất.

Nhà ở của thực tập sinh khi đi XKLĐ Nhật Bản sẽ không được tự quyết định mà do công ty tiếp nhận thuê cho. Tùy vào giá thuê nhà ở mỗi vùng khác nhau mà giá nhà ở sẽ khác nhau. Điện nước cũng vậy, giá điện nước thường tính theo thực tế sử dụng nên cứ theo giá chung mà nhân lên với mức sử dụng nhé. Điều mình muốn nhắc đến ở đây là vấn đề nhà ở, nhiều bài báo có nói nhà ở của thực tập sinh lụp sụp, khu vệ sinh không khác “chuồng xí” ngày xưa và nhà tắm cũng rất tạm bợ. Điều này mình công nhận là đúng, nhưng các bạn hãy thử xem xét một khía cạnh khác nhé. Chi phí ở Nhật đắt gấp khoảng 10 lần ở Việt Nam, ở các thành phố du học sinh thường phải thuê nhà với chi phí khoảng 35.000 yên thậm chí cao hơn để có một phòng tương đối ổn. Như vậy, bạn hãy so sánh với mức 12.000 yên – 20.000 yên tiền thuê phòng cho thực tập sinh để thấy sự khác biệt. Nếu tiền thuê phòng gấp đôi thậm chí gấp 3 để đổi lấy một phòng ở tốt liệu các bạn có chấp nhận hay không?

25. Việc làm thêm hàng tháng

Có thể các bạn nghe rằng có nhiều bạn đi XKLĐ Nhật Bản và gửi được khá nhiều tiền về cho gia đình, thế nhưng khi xem mức lương thì các bạn lại thấy không hợp lý vì không thể gửi về nhiều như mọi người nói. Thực ra vấn đề nằm ở chỗ việc làm thêm hàng tháng này. Lao động sang Nhật Bản làm việc theo diện XKLĐ không được phép làm thêm bên ngoài công ty nhưng nếu công ty có nhiều việc thì vẫn sẽ được làm thêm. Tùy vào là ngày nghỉ, ngày lễ hay làm đêm mà lương làm thêm sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mức lương làm thêm ít nhất cũng cao hơn 25% so với lương làm chính thức nên việc làm thêm hàng tháng luôn được các bạn thực tập sinh rất mong chờ. 

Học tiếng Nhật qua bài hát Nhật ký của mẹ

26. Gửi tiền về nước

Vấn đề gửi tiền về nước chắc chắn là không làm khó được các bạn thực tập sinh đâu nhỉ, tuy nhiên vấn đề này vẫn rất bất cập vì phí chuyển tiền còn khá đắt. Nếu các bạn chuyển tiền về nước thông qua các ngân hàng lớn thì phí gửi rất cao. Tuy nhiên các bạn có thể gửi tiền về nước thông qua một số cách khác như gửi thông qua thẻ sẽ tiết kiệm hơn. Vấn đề này các bạn sẽ được nghiệp đoàn hướng dẫn chi tiết và cụ thể khi tới Nhật nhé. 

Ngoài ra, để đỡ mất nhiều chi phí gửi tiền, một số bạn cũng có thể gửi tiền về định kỳ cho gia đình thông qua các đợt phái cử thăm thực tập sinh hoặc thông qua “người quen” gửi về dùm.

27. Bộ đội ở Nhật Bản

Bộ đội ở Nhật bản là gì nhỉ? Ở Việt Nam thì chắc ai cũng biết nhưng ở Nhật thì đây là một thuật ngữ chỉ những lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp. Các bạn chỉ cần tìm các nhóm trên cộng đồng thực tập sinh Nhật bản trên facebook cũng có thể dễ dàng tìm được vài nhóm với tên “Bộ đội Nagoya” hay “Bộ đội Shizuoka” … Mình cũng chỉ giới hạn giới thiệu vậy thôi nhé vì các bạn không nên tiếp xúc với các chú “bộ đội” dạng này ở Nhật. 

28. Về nước và tái hòa nhập

Sau khi hết hạn hợp đồng XKLĐ Nhật Bản, các bạn sẽ được một số tiền “nho nhỏ” khuyến khích cho các bạn về nước lấy vốn làm ăn. Ngoài ra một số đơn vị phái cử cũng có những số tiền “nho nhỏ” vì các bạn hoàn thành tốt hợp đồng và về nước đúng hạn. Sau khi về nước, vấn đề tái hòa nhập có lẽ mình cũng không cần phải nói nhiều, tuy nhiên có lẽ một số bạn không biết rằng vấn đề tái hòa nhập này có một phần trách nhiệm của bên phái cử. Do vậy, nếu các bạn có gặp khó khăn sau khi về nước như không xin được việc làm hay cần tư vấn thì bạn có thể yêu cầu phái cử hỗ trợ nhé.

Đi XKLĐ Nhật Bản về nước
Đi XKLĐ Nhật Bản về nước

29. Thực tập sinh quay lại Nhật lần 2

Theo luật mới về xuất khẩu lao động Nhật Bản mới được áp dụng từ cuối năm 2017 thì thực tập sinh sau khi hoàn thành hợp đồng 3 năm về nước có cơ hội được quay lại Nhật Bản làm việc tối đa 2 năm. Tuy vẫn còn nhiều khúc mắc về thủ tục cũng như chính sách và cơ chế giữa hai nước, tuy nhiên các bạn cũng không cần phải lo lắng vì phái cử sẽ giúp các bạn phần thủ tục rắc rối này. (Xem thêm)

30. Nên hiểu đúng đủ về ý nghĩa của thực tập sinh Nhật Bản

Phần này mình cũng khá phân vân khi đưa vào bài viết này vì nói ra có lẽ lại khiến nhiều bạn … “tự ái”. Tuy nhiên có lẽ mình cũng vẫn sẽ giải thích chút để cho mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của thực tập sinh Nhật Bản. Nghe tên thực tập sinh nếu không gắn với Nhật Bản thì các bạn sẽ hiểu thế nào, thực tập sinh là những “ma mới” vào làm tại công ty theo hình thức thực tập và đa phần thực tập thì không có lương. Còn nếu gắn thêm hai từ Nhật Bản ở phía sau thành “thực tập sinh Nhật Bản” thì thấy oai hơn nhiều nhưng ý nghĩa vẫn vậy mà thôi.

Nhiều bạn nghĩ rằng đi XKLĐ Nhật Bản là cao siêu và đòi quyền lợi phải thế lọ thế chai, mình nói luôn thực tập sinh là sang đó học việc, mà học việc thì Nhật Bản hay Việt Nam cũng đừng mong được đối đãi như nhân viên chính thức. Do vậy, nhiều khi các bạn thấy khổ, thấy khó thì cứ kêu chứ bản chất thì các bạn không hiểu. Mình chỉ nói vậy để các bạn hiểu rằng đi lao động Nhật Bản là phải khổ phải mệt chứ không như ở Việt Nam đâu nhé.

Bài cũng dài quá rồi, bạn nào mà đọc được đến đây chứng tỏ bạn rất kiên nhẫn đấy. Cuối bài, mình chúc các bạn sẽ thành công khi lựa chọn con đường xuất khẩu lao động Nhật Bản và gặp nhiều may mắn cũng như có nhiều thành công khi sống và làm việc ở xứ người nhé.

 

Từ khóa tìm kiếm bài viết: XKLĐ Nhật Bản, XKLD Nhat Ban, xuat khau lao dong nhat ban, xuất khẩu lao động Nhật Bản Traum, lao động Nhật Bản, lao dong nhat ban, xuất khẩu lao động Nhật Bản 2018

Chia sẻ ngay bài viết này:

facebook twiter pinterest linkedin tumblr reddit-icon

Bài viết liên quan:


Bình luận về bài viết này:

  • Minh đang học xkld nhât ban .đã đậu phỏng vấn .ban nào muốn đi cơ khí hay dập kim loại làm trong nhà .tăng ca nhiều thi minh chi cho nhé 0165209xxxx

Quay lại đầu trang
© 2018 traumvietnam.com. Design by VietMoz.