Nuoc Nhat 2018 – Nhật Bản là trú xứ của nhiều loại hình thưởng thức nghệ thuật có chiều sâu, kinh qua nhiều tháng năm dài để trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Những hoạt động tưởng chừng đơn giản như viết đôi câu chữ, múa vài đường kiếm, nhấp một ngụm trà, cắm một cành hoa lại là cả một phạm trù để cảm mến và giác ngộ, đến thú thưởng thức hương thơm cũng được người Nhật kính cẩn gọi tên “Hương đạo” (Koudou). Hương đạo Nhật Bản So với Thư đạo, Kiếm đạo, Trà đạo hya Hoa đạo có một chỗ đứng khiêm nhu, ít người biết đến và kén người thưởng thức hơn, phần vì tính trừu tượng, vô hình ẩn nơi làn hương gỗ ấm, phần vì cái khó trong việc ghi nhớ và gọi tên bằng ký ức mùi hương.
Xem thêm một số bài viết khác bạn có thể sẽ thích:
Lịch sử Hương đạo Nhật Bản
Sự hình thành của Hương đạo Nhật Bản gắn liền với sự phát triển trong tôn giáo của Nhật Bản mà cụ thể là Phật giáo. Nhưng khởi thủy của Hương đạo Nhật Bản được ghi chép trong sử sách là vào năm 595, thuộc thời kỳ Asuka (592 – 710). Bấy giờ có một phiến gỗ lớn trôi dạt vào bờ biển đảo Awajishima thuộc tỉnh Hyogo, được người dân trên đảo mang về làm củi, nhưng khi cho vào bếp lò họ vô cùng kinh ngạc với hương thơm tỏa ra từ đó và quyết định tiến dâng lên Thiên hoàng Suiko. Đến năm 752 thuộc thời kỳ Nara (710 – 794), cùng với đạo Phâtj, các công thức bào chế hương liệu gồm trầm hương, xạ hương, nhu hương, quế bì đã được thiền sư Giám Chân của nhà Đường truyền bá vào Nhật Bản.
Vào thời kỳ Heian (749 – 1185), tầng lớp quý tộc Nhật Bản bắt đầu hứng thú với việc thưởng hương. Sự kết hợp các loại hương liệu được quy định theo mùa. Mỗi thay đổi dù rất nhỏ trong thành phần hương liệu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất hương. Trong thời kỳ này, việc tặng hương liệu kèm theo một bài thơ cho nhau rất phổ biến.
Thời Kamakura (1185 – 1333), giới Samurai thâu tóm quyền lực và dần được quý tộc hóa bằng những thú vui tao nhã của giới quý tộc. Nghệ thuật thưởng hương từ thời kỳ này có sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần võ sĩ đạo và triết lý Thiền của đạo Phật.
Trong suốt thời kỳ Muromachi (1333 – 1603), Nhật bản triền miên trong biến loạn. Cảm nhận một cách sâu sắc về sự vô thường của quyền lực và kiếp người sau những mất mát, hoang tàn của chiến tranh, những bậc hiền nhân đã kiến tạo nên nghệ thuật Hương đạo mang đậm triết lý về vẻ đẹp vô thường, cảm thức mùa của người Nhật. Cuối thười Muromachi, nghệ thuật thưởng hương được phát triển thành hai trường phái chính: Trường phái Oie do quý tộc Sanetaka Sanjonishi sáng lập (trú trọng tính chất của hương) và trường phái Shino do một võ sĩ tên Soshin Shino sáng lập (trú trọng nghi thức thưởng hương).
Hương đạo phát triển mạnh mẽ nhất trong xã hội Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603 – 1868), những vật dụng phục vụ cho nhu cầu thưởng thức Hương đạo được chế tác tinh xảo. Đây cũng được coi là thời kỳ vàng son của Hương đạo Nhật Bản.
Nghe Hương bằng cả tâm hồn
Mặc dù thưởng hương bằng khứu giác nhưng thay vì sử dụng cách nói Ka wo kagu, người Nhật lại nói là Ka wo kiku. Các bạn có thể hiểu nôm na từ việc ngửi hương thì người Nhật gọi là “nghe hương”. Thực chất thì không chỉ là nghe hương, đây chỉ là một cách nói của người Nhật khi thưởng hương mà thôi, ẩn đằng sau đó người Nhật muốn nói thưởng hương không phải chỉ ngửi mà còn phải dùng cả 5 giác quan và tâm hồn để thưởng hương. Thưởng hương không thể ngửi qua loa mà cần một quá trình ngưng lắng tâm hồn đậm Thiền tính của nhà Phật.
Để “nghe” trọn vẹn một cuộc hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế. Ngồi ngay ngắn, thư thái, tay tái giữ chén hương trầm, từ từ nâng chén lên ngang mũi, tay phải che miệng chén để làn hương trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái, hít ba hơi thật sau. Làn hương thấm vào mũi sẽ đi qua tim và chạm đến đáy tâm hồn. Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại sẽ nghe ra chất hương và gọi thành tên.
Hương trầm được chia thành 6 loại, bao gồm 5 vị đến từ 6 nước: Kyara từ Việt Nam có vị đắng, Rakoku từ Thái Lan có vị ngọt, Manaban từ Bồ Đào Nha có vị mặn, Sumatora từ Indonesia có vị chua, Sasora từ Ấn Độ có vị cay, cùng với Manaka từ Malacco và Malysia không vị. Để có thể phân biệt những mùi hương trầm khác nhau, người thưởng hương phải mất nhiều năm luyện tập và có một khứu giác nhạy bén với mùi hương.
10 Đức của Hương đạo Nhật Bản
Vượt lên trên thú chơi thưởng hương mang tính cung đình của các quý tộc xa xưa, tách khỏi nghi thức dâng hương trọng vọng của tôn giáo. Hương đạo Nhật Bản ngày nay giống như một liệu pháp trị liệu cho tâm hồn với 10 đức của hương:
- Tăng khả năng cảm giác
- Thanh tẩy cơ thể và tâm hồn
- Thanh lọc cơ thể
- Xua tan cơn buồn ngủ
- Chữa nỗi cô đơn
- An định tinh thần
- Nhiều không cản lối
- Ít vẫn thơm lâu
- Nhiều năm không hỏng
- Dùng hàng ngày không gây hại
Nghi thức hương đạo hay trò chơi thưởng hương
Nghi thức Hương đạo Nhật Bản hay còn gọi là Kumikou thường được tổ chức ở các phòng chiếu Tatami dưới hình thức một cuộc thi thưởng hương. Người tham gia thi đấu sẽ ngồi theo kiểu Seiza và xếp thành hình chữ U, hướng mặt về phía Teishu – người chủ trì và Koumoto – người xông hương. Teishu sẽ là ngời đầu tiên hít ba hơi thật sâu từ chén hương trầm đọc gọi là Kouro sau đó chuyển sang người khách vinh dự sẽ ngồi gần Teishu nhất và được đón lấy những chén hương đầu tiên từ Teishu.
Trong một cuộc thưởng hương, người tham gia thi đấu phải gọi đúng tên mùi hương dựa trên ký ức. Người có điểm số cao nhất sẽ nhận được giấy chứng nhận có ghi tên cuộc thi, đáp án và thành tích của mình. Kumikou được tổ chức theo hai mùa trong năm, cuộc thi mùa hè có tên gọi là Ayamekou và mùa thu có tên gọi Kikuawasekou.
Ngoài ra, còn có một trò chơi đoán hương gọi là Genjikou – sự kết hợp độc đáo giữa Hương đạo Nhật Bản với “Truyện Genji” – áng văn học cổ điển thời Heian. Trong Genjikou, Koumoto sẽ xáo lẫn 25 gói hương trầm thuộc 5 loại khác nhau (mỗi loại 5 gói) rồi chọn ra 5 gói bất kỳ để đốt lên và cho người chơi lần lượt “nghe” qua từng chén hương. Người chơi có nhiệm vụ xác định xem trong 5 mùi hương vừa “nghe” có những hương nào trùng loại với nhau không, câu trả lời sẽ được viết ra giấy. Mỗi mùi hương sẽ được biểu thị bằng 5 vạch thẳng đứng, những mùi hương giống nhau sẽ được liên kết bằng những vạch ngang. Tổ hợp các kết quả có thể có tương ứng với 52 hương đồ, tượng trưng cho 52 chương trong số 54 chương của truyện Genji. Đối chiếu đáp án của mình trên bảng hương đồ Genji, người chơi sẽ ghi tên của chương truyện đó lên giấy đáp án của mình.
Dù là một cuộc thi nhưng Kumikou và Genjikou không có tính hơn thua, phân tranh thắng bại. Người chơi chỉ nương theo làn hương để thanh tẩy mình khỏi những tạp niệm, tận hưởng sự tĩnh lặng giữa cuộc sống ồn ào. Có thể nói, Hương đạo Nhật Bản khiêm nhu, thanh tao nhưng độc đáo lạ kỳ.
Theo Kilala – Tú Anh
Bình luận về bài viết này: