Đất nước con người Nhật Bản – Đây là một câu chuyện có thật đã được rất nhiều phóng viên xác nhận từ một làng nghèo ở Nhật. Làng Kawakami là một làng nghèo nhất ở Nhật Bản nhưng nhờ cây xà lách mà giờ làng đã trở thành một trong những ngôi làng giàu nhất Nhật Bản. Nguồn thu nhập chính của người dân trong làng là bán xà lách và câu chuyện trồng xà lách thu nhập 25 triệu yên mỗi năm ở Nhật Bản đã trở thành một điều thần kỳ khiến rất nhiều người tò mò. Nếu bạn đang đi du học Nhật Bản, hãy tới thăm làng Kawakami một lần, bạn sẽ bất ngờ với câu chuyện của ngôi làng từng nghèo nhất Nhật Bản đấy.
Ngôi làng nghèo Kawakami
Ngôi làng Kawakami trước đây là một ngôi làng nghèo nằm ở tỉnh Nagano. Đây là một ngôi làng nằm sâu trong núi Shinshu với khí hậu khắc nghiệt nhiệt độ có lúc xuống dưới âm 20 độ C, vào mùa đông và xuân cả ngôi làng bị phủ bởi tuyết nên gần như tổng thời gian có thể canh tác nông nghiệp trong 1 năm chỉ khoảng 4 tháng. Do vậy, làng Kawakami luôn là một trong những làng nghèo nhất ở Nhật Bản trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Theo người dân trong làng cho biết, vì băng tuyết kéo dài khiến người dân phải ở trong nhà nhiều tháng, trong khi họ vẫn phải chi tiêu cho các khoản sinh hoạt hàng ngày, những lao động chính không có việc đành phải bỏ làng lên thành phố làm thêm. Làng Kawakami trở thành một ngôi làng rất nghèo và hoang vắng, cây lúa kém phát triển nên chỉ có những người bệnh mới có cơ hội ăn cơm trắng. Đến những năm 1950, niềm hi vọng của làng đã xuất hiện. Người Mỹ đem giống rau xà lách mới tới đây trồng thử, họ thành công và nhen nhóm hi vọng thay đổi cả ngôi làng. Rau xà lách là loại rau ưa khí hậu lạnh, khô nên phù hợp với điều kiện tự nhiên của làng. Người dân trong làng bắt đầu trồng xà lách và “sự thần kỳ” xuất hiện.
Sự thay đổi thần kỳ của làng Kawakami
Cây xà lách đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho tất cả người dân trong làng. Thay cho cây lúa và các cây trồng khác không chịu được lạnh, cây xà lách trở thành loại cây mang lại thu nhập chính cho cả làng. Để phát triển cây xà lách, trưởng làng đứng lên kêu gọi người dân sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn riêng của làng chứ không theo các tiêu chuẩn hiện nay như JGAP hay GlobalGAP.
Đầu tiên, người dân trong làng lấy mẫu đất, nước mang đi kiểm tra từng thành phần, theo dõi các bản thống kê lượng mưa trong năm kết hợp với các tiêu chuẩn chăm sóc cây xà lách để tự xây dựng ra tiêu chí cho riêng mình. Sau 20 năm nghiên cứu và phát triển bộ tiêu chí của làng, họ đã tính toán được thời điểm xuống giống hợp lý, cách trồng, cách bón phân, phun thuốc trừ sâu, thuôc bảo vệ thực vật, làm đất và các quy trình từ chăm sóc cho đến thu hoạch sao cho cây phát triển tốt nhất.
Tiết lộ về tiêu chuẩn của làng, trưởng làng cho biết thời điểm thu hoạch rau là từ 3h đến 7h sáng, những loại hái sau 8h không được chấp nhận. Bón phân, phun thuốc trừ sâu phải sử dụng cách ít nhất 10 ngày. Thuốc bảo vệ thực vật cũng thân thiện với môi trường, bất cứ hóa chất nào dùng đều được tính toán phù hợp rồi mới sử dụng. Từ cách trồng, phun thuốc đến thu hoạch đều để ý kỹ càng. Nông dân sẽ ghi chép lại thời gian bón phân, phun thuốc… cẩn thận. Vì vậy, rau trồng ở làng Kawakami có thể hái ăn ngay tại vườn mà không cần rửa.
Bên cạnh quy trình trồng rau, để đảm bảo thương hiệu cũng như chất lượng rau, một ban quản lý được thành lập để giám sát và những hộ dân không tuân thủ. Tất cả các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn bị tiêu hủy, hộ dân vi phạm tiêu chuẩn của làng sẽ bị cấm sản xuất rau. Nhờ quy trình trồng rau được nghiên cứu lâu năm cùng sự giám sát chặt chẽ nên rau trồng tại làng có chất lượng gần như tương đồng với nhau. Năm 2013, làng Kawakami đưa ra thị trường nội địa hơn 60.000 tấn rau và thu về 16 triệu yên, với sự đảm bảo từ thương hiệu và quy trình giám sát nghiêm ngặt, rau xà lách trồng tại làng Kawakami được bán ra với giá gấp 5 lần so với giá rau xà lách cùng loại trên thị trường. Cho tới nay, bình quân thu nhập của một hộ gia đình trong làng một năm vào khoảng 25 triệu yên tương đương 200,000 USD.
Cho đến nay, sự thay đổi của ngôi làng nghèo Kawakami vẫn được người trong vùng nhắc đến là “ngôi làng thần kỳ”. Giờ đây, mọi người trong làng không còn bỏ lên thành phố làm việc nữa mà họ trồng xà lách, người dân trong làng còn tự xây dựng một kênh truyền hình để cập nhật thông tin thị trường từ đó có thể điều chỉnh việc bán xà lách được hiệu quả hơn tùy vào nhu cầu của thị trường. Ngôi làng thần kỳ là một tấm gương đáng để Việt Nam học hỏi và làm theo, hãy sử dụng 20 năm hoặc nhiều hơn để tạo ra một con đường riêng cho bản thân và phát triển thương hiệu cho mình.
[2L]
Bình luận về bài viết này: