Tin hot XKLĐ Nhật Bản – Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động – Y tế – Phúc lợi Nhật Bản đã ký một thỏa thuận quan trọng liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động Nhật Bản gọi là Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC). Cũng theo thỏa thuận MOC, thực tập sinh sẽ được làm việc tại Nhật 5 năm và các công ty phái cử phải công khai chi phí đồng thời không được thu tiền cọc chống trốn của thực tập sinh. MOC sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2017.
Nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau buổi hội đàm, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki đã chính thức ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng MOC. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước trong vấn đề xuất khẩu lao động và mục đích của bản thỏa thuận này nhằm xác định cơ quan đầu mối của mỗi bên trong việc triển khai thực hiện, khuôn khổ và cơ chế hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, MOC còn có một số điểm mới sau:
- Xác định mục tiêu của sự hợp tác nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật trong việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ lợi ích của hai nước.
- Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Việt Nam và Nhật Bản trong việc thực hiện chương trình thực tập kỹ năng, như: phía Việt Nam kiểm tra và giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; phía Nhật Bản cấp phép cho các Tổ chức quản lý Nhật Bản và cấp chứng nhận kế hoạch tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam cho các cơ sở, đơn vị Nhật Bản theo các tiêu chuẩn quy định trong Bản ghi nhớ.
- Tạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản trong việc thông tin cho nhau về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam, các Tổ chức quản lý và các đơn vị, cơ sở tiếp nhận Nhật Bản, qua đó hướng dẫn, kiểm tra và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh; xử phạt doanh nghiệp, tổ chức quản lý, đơn vị và cơ sở tiếp nhận vi phạm các quy định của hai nước; và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, doanh nghiệp, tổ chức quản lý.
- Trong những trường hợp khẩn cấp (thiên tai, khủng hoảng …) và phù hợp hai bên sẽ thông qua cơ quan đại diện ngoại giao tại nước sở tại để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm kịp thời hỗ trợ di chuyển thực tập sinh đến nơi an toàn.
- MOC cũng yêu cầu các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản không được phép thu giữ tiền đặt cọc của thực tập sinh, công khai các khoản thu phí của thực tập sinh để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam; giảm một số giấy tờ thủ tục hành chính của Nhật Bản đối với người lao động.
Tất cả những điểm mới trên chủ yếu nhằm chỉ rõ vai trò quản lý thực tập sinh của các Bộ, ban ngành giữa hai nước và giảm thiểu thủ tục giấy tờ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc. Ngoài ra, trong Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng còn chỉ rõ sẽ tăng thêm một số ngành nghề ngoài 66 ngành nghề XKLĐ Nhật Bản trước đây. Không những vậy, tất cả các ngành nghề sẽ được tăng thêm thời gian hợp đồng lên đến 5 năm và những thực tập sinh đang làm việc trước thời gian ký bản ghi nhớ này cũng vẫn được áp dụng gia hạn hợp đồng nếu chủ sử dụng lao động có mong muốn.
Một vấn đề quan trọng trong MOC đó chính là quy định minh bạch đối với các đơn vị phái cử Việt Nam. Phía Nhật Bản yêu cầu các đơn vị phái cử phải giải trình rõ các khoản chi phí mà lao động phải nộp tránh tình trạng thu phí quá cao đối với lao động và nghiêm cấm mọi hình thức thu tiền cọc chống trốn với người lao động. Việc giám sát thực hiện các quy định này sẽ được cơ quan chủ quản hai nước tiếp tục họp bàn và có các công văn chỉ đạo hướng dẫn thực hiện trước khi MOC chính thức có hiệu lực.
Như vậy, Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng MOC ra đời đã chính thức đánh dấu sự phát triển mới trong việc hợp tác về xuất khẩu lao động giữa hai nước. Sự hợp tác này sẽ tạo tiền đề nhằm thúc đẩy XKLĐ sang Nhật phát triển mạnh hơn trong năm sau và người lao động tham gia làm việc tại Nhật Bản sẽ được bảo hộ tốt hơn, có nhiều quyền lợi hơn.
Theo Bộ LĐTB&XH đưa tin molisa.gov.vn
lamtraum
Đã chính thức có thỏa ước nhé, anh chị em yên tâm làm việc ở Nhật 5 năm đi là vừa