Đất nước con người Nhật Bản – Tưng bừng và náo nhiệt là những ấn tượng thường thấy khi tham gia một lễ hội truyền thống Nhật Bản. Vậy mà, lễ hội Takayama Matsuri ở tỉnh Gifu không chỉ khiến người xem phải nức lòng trước những cỗ xe hoành tráng đầy hoa mĩ mà còn mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau ở mỗi thời điểm trong ngày.
Xem thêm một số bài viết khác bạn có thể sẽ thích:
Lễ hội truyền thống Takayama – “đặc sản” tinh thần nơi miền núi ban sơ
Takayama là một thành phố nằm ở miền núi khu vực Hida thuộc tỉnh Gifu, Nhật Bản. Không chỉ nổi danh với ngôi làng cổ Di sản Thế giới Shirakawa-go, những năm gần đây, Takayama được nhiều lãng khách tìm đến bởi trót phải lòng khung cảnh yên bình của những con phố cổ nép mình tỏng vùng núi vẫn còn hoang sơ cùng nhịp sống chậm rãi, phảng phất hình ảnh của một Nhật Bản thời Edo. Ở nơi mà quá khứ và hiện tại tựa hồ như đan xen lẫn nhau này, các hoạt động văn hóa đặc trưng cho tín ngưỡng địa phương mà Takayama Matsuri là một ví dụ tiêu biểu vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, trân trọng và bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Được tổ chức lần đầu tiên cách đây 350 năm, khi đó Takayama Matsuri chỉ là một lễ hội thôn làng có quy mô nhỏ gọn. Kể từ khi vùng Hida trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hàng đầu Nhật Bản, Takayama cũng vụt lên như một đầu mối phân phối và giao thương trọng yếu trong khu vực, thu hút đông đảo các thương lái, công nhân, thợ thủ công tìm đến lập nghiệp. Chính nhờ sự hỗ trợ của tầng lớp nhà buôn giàu có, cộng với tinh thần không ngừng học hỏi, sáng tạo của những người thợ thủ công cũng như ý chí cạnh tranh lẫn nhau giữa các khu phố, lễ hội dần được tổ chức với quy mô lớn hơn với những chiếc kiệu rước được chế tạo tỉ mỉ, công phu và lộng lẫy gấp bội.
Lễ hội truyền thống Takayama – Một trong ba lễ hội lộng lẫy nhất Nhật Bản
Tkayama matsuri là một trong những lễ hội hiếm hoi được tổ chức 2 lần trong một năm, trong đó lễ hội mùa xuân diễn ra vào ngày 14 – 15/04, mang ý nghĩa cầu chúc cho một mùa màng bội thu và lễ hội mùa thu diễn ra vào ngày 9 – 10/10, thể hiện tâm ý tạ ơn thần linh. Ở lễ hội mùa xuân, 12 chiếc kiệu rước (còn gọi là Yatai hay Hikiyama) sẽ diễu hành vòng quanh thị trấn trước khi thắng tiến đến đền thờ Thần đạo Hie. Ngôi đền này còn được gọi là Sanno-san nên lễ hội mùa xuân còn có tên khác là “lễ hội Sanno”. Trong khi đó, lễ hội mùa thu với 11 chiếc kiệu rước sẽ có điểm đến là đền Sakurayama Hachiman Jingu nên còn được gọi là “lễ hội Hachiman”.
Tâm điểm của lễ hội chính là những chiếc kiệu rước vô cùng lộng lẫy bên cạnh dàn phu xa kéo kiệu trong bộ trang phục lễ hội truyền thống. Vẻ lộng lẫy đến kinh ngạc và số lượng kiệu tham gia diễu hành hoành tráng trong Takayama matsuri đã giúp cho lễ hội này được sánh vai cùng với Gion Matsuri của Kyoto và Chichibu Yomatsuri của Saitama để trở thành một trong “Tam đại lễ hội Hikiyama” – danh xưng dành riêng cho những lễ hội có dàn kiệu rước tráng lệ và quy mô nhất Nhật Bản. Ước tính cứ mỗi kỳ lễ hội, thành phố Takayama chào đón khoảng 200.000 du khách thập phương tìm đến chiêm ngưỡng và hòa mình vào không khí tưng bừng của hoạt động văn hóa sôi nổi bậc nhất nơi đây.
Kiệu rước Hikiyama – linh hồn của Takayama Matsuri
Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở các lễ hội truyền thống ở Nhật Bản là đều có đoàn diễu hành với các tốp ca múa dẫn đầu, đoàn phu xa lực lưỡng hay cỗ xe kiệu trang trí công phu. Đây cũng là đặc điểm khiến nhiều du khách dễ lẫn lộn với các lễ hội với nhau. Tuy nhiên, nếu đã có dịp được chiêm ngưỡng tận mắt Takayama Matsuri, chắc chắn sự nguy nga đến choáng ngợp cảu dàn kiệu rước và đoàn diễu hành trên dưới 100.000 người sẽ khiến bạn phải thốt lên “Thật không hổ danh là một trong Tam đại lễ hội Hikiyama của Nhật Bản”.
Những chiếc kiệu rước Hikiyama của Takayama Matsuri mang dáng dấp của nghệ thuật chạm trổ thế kỷ 17. Được chế tạo chủ yếu từ gỗ, những cỗ xe này còn được trang hoàng bằng những chi tiết chạm khắc tinh xảo bằng kim loại, tương tự với phong cách nghệ thuật của thời đại Momoyama pha lẫn giai đoạn đầu thời đại Edo. Những chi tiết trang trí này còn được tìm thấy cả ở bên trong cỗ xe, ở trên mái che, đằng sau những cây xà và ngay cả ở bánh xe, khiến người xem không khỏi kinh ngạc khi quan sát gần bởi sự tỉ mỉ và công phu của chúng.
Có tổng cộng 23 cỗ xe Hikiyama được sử dụng ở 2 kỳ lễ hội, trong đó có một vài chiếc được gắn những con búp bê Karakuri bên trên. Đây là loại búp bê gỗ, bên ngoài mặc trang phục làm từ vải lụa thêu và tự chuyển động nhờ vào dây cót hoặc máy móc. Những con búp bê với nhiều kiểu dáng vẻ và đọng tác khác nhau này sẽ “trình diễn” trong suốt thời gian diễu hành, thu hút sự chú ý của khán giả, đặc biệt là trẻ con. Cùng với Hikiyama, Karakuri thể hiện đỉnh cao cảu kỹ thuật chế tác, trở thành yếu tố quan trọng để những người thợ thủ công của các thị trấn phô diễn tài nghệ cạnh tranh lẫn nhau.
Ngoài thời gian diễn ra lễ hội, những chiếc kiệu Hikiyama sẽ được cất trức trong các nhà kho chuyên dụng gọi là “Yatai-gura”, nằm rải rác trong các thị trấn. Một số trong số chúng được trưng bày tại bảo tàng kiệu rước Takayama Matsuri Yatai Kaikan và đền Sakurayama Hachiman Jingu. Cứ mỗi 4 tháng người ta thay mới kiệu một lần. Do đó, dù không có cơ hội ghé thăm Takayama ngay mùa lễ hội, du khách vẫn có thể đến tham quan và chiêm ngưỡng những cỗ xe tráng lệ này ở khoảng cách gần.
Takayama Matsuri – Lạc vào “vùng đất linh hồn” khi về đêm
Ai đã từng xem bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Vùng đất linh hồn” (Spirited Away/ Sen to Chihiro no Kamikakushi) của hãng phim Ghibi Nhật Bản ắt hẳn sẽ có đôi lúc ngỡ mình đang lạc vào thế giới huyền bí ấy khi tham gia Takayama Matsuri vào buổi đêm.
Khác với vể tráng lệ và rực rỡ vào ban ngày, những chiếc kiệu Hikiyama xuất hiện vô cùng lung linh với hàng trăm lồng đèn thắp sáng ở hai bên. Khi diễu hành qua vô số các con kênh nhỏ trong thành phố, những cỗ xe ánh sáng này soi bóng xuống mặt nước thấp thoáng, hòa cùng điệu nhạc ma mị đặc trưng của lễ hội Nhật Bản truyền thống, tạo nên bầu không khí huyễn hoặc và cảm giác thực thực ảo ảo ở nwhngx nơi mà nó đi qua. Ở thời gian vào trong ngày, lễ hội Takayama Matsuri cũng tạo ấn tượng sâu đậm đối với người xẹm. Nếu có thời gian thư thả, bạn hãy nán lại đến đêm để thưởng thức trọn vẹn hai sắc thái độc đáo của lễ hội này nhé.
Theo Kilala – Lê Mai
Bình luận về bài viết này: